Có Nên Học Kiểm Toán Không? Học Xong Có Tương Lai?

2372 lượt xem Giáo Dục



Kiểm toán đang là một ngành “hot” hiện nay, bởi tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế quốc gia. Kiểm toán trở thành một ngành nghề đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…

Để ra quyết định lựa chọn một ngành nghề nào đó, trước hết bạn phải xem xét nhu cầu của xã hội. Liệu thị trường việc làm của ngành có được mở rộng và có khả năng phát triển trong tương lai? Nguồn nhân lực hiện tại có đủ đáp ứng chưa? Sau khi xem xét các điều kiện một cách chi tiết, nếu bạn đã có một niềm đam mê mãnh liệt với ngành từ trước thì bạn không nên chần chừ mà nên quyết đoán chọn lựa nghề kiểm toán. Còn nếu bạn vẫn đang do dự, hãy tham khảo một số những ý kiến dưới đây để biết nghề kiểm toán có thể giúp bạn đem lại lợi ích gì trong tương lai.

Bạn là người gây dựng niềm tin đối với một tổ chức, doanh nghiệp,…

Đối tượng của kiểm toán viên là báo cáo tài chính, hoạt động, sự tuân thủ pháp luật và nguyên tắc của một tổ chức, doanh nghiệp. Đây đều là những yếu tố mà các doanh nghiệp ít khi hoặc hầu như không công khai ra ngoài, đặc biệt là với các đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, có rất nhiều đối tượng quan tâm đến kết quả kiểm toán của một doanh nghiệp, cơ quan, ví dụ như:

  • Nhà đầu tư (cá nhân, tổ chức) muốn đầu tư vào doanh nghiệp, hoặc muốn mua cổ phần của doanh nghiệp, họ cần các thông tin chính xác về các báo cáo tài chính để có thể ra quyết định có nên đầu tư hay không.
  • Nhà nước có thể nghi ngờ doanh nghiệp có sai phạm, gian lận trong hoạt động kinh doanh, vậy làm thế nào họ có thể kiểm chứng được nghi ngờ của họ? Câu trả lời nằm ở kiểm toán viên, họ có chức năng kiểm tra, tìm ra các sai sót và bằng chứng theo những nguyên tắc nhất định và những kết luận của họ đưa ra hoàn toàn là chính xác, độc lập, không bị mua chuộc hay gian lận.
  • Ngân hàng, nhà cung cấp: họ cần kiểm toán để xác minh xem báo cáo tài chính của bạn có thực sự phản ánh đúng năng lực và có khả năng thanh toán các khoản tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại không.
  • Bản thân các doanh nghiệp cũng rất cần đến kiểm toán viên, vì chức năng của kiểm toán không chỉ là kiểm tra mà còn có đưa ra các ý kiến. Các kiểm toán viên là những người sáng suốt và nhạy bén, từ các kết quả kiểm tra nên đưa ra các ý tưởng thế nào và trình bày ý kiến về cách thức hoạt động của doanh nghiệp xem doanh nghiệp hoạt động đã hiệu quả chưa.

Bạn có thể thấy các đối tượng quan tâm tới kết quả kiểm toán rất nhiều, không chỉ những người nằm ngoài doanh nghiệp, mà ngay cả doanh nghiệp cũng cần đến kiểm toán viên. Bạn đặt câu hỏi tại sao lại là kiểm toán viên mà không phải là các ngành khác như kế toán, hay quản trị? Họ cũng làm việc với báo cáo tài chính và đưa ra các quyết định cho doanh nghiệp đó thôi. Vấn đề ở đây chính là các nguyên tắc kiểm toán được đặt ra và các kiểm toán viên là đối tượng bắt buộc phải tuân theo các nguyên tắc ấy khi thực hiện kiểm toán, hơn nữa các kiểm toán viên nên không có mối quan hệ với các khách thể kiểm toán vì dễ đưa ra phán đoán sai lầm, thiên vị.

Đây chính là những điểm khiến cho kiểm toán viên có được lòng tin của những người yêu cầu kiểm toán. Họ cần một kênh thông tin đảm bảo để có thể ra những quyết định đúng đắn.

Trí óc bạn sẽ được thử thách và nâng cao khả năng tư duy

Có rất nhiều loại kiểm toán khác nhau, mỗi loại lại có thêm những nguyên tắc khác nhau. Thậm chí chỉ riêng kiểm toán báo cáo tài chính cũng không xảy ra chuyện báo cáo tài chính của công ty A lại giống hệt công ty B. Nên công việc của họ luôn được làm mới, thay đổi. Nay làm việc với công ty có số liệu chính xác, mai lại làm việc với các số liệu phức tạp, có sai phạm mà khó tìm được bằng chứng,…

Bên cạnh đó, các điều luật, quy định của Nhà nước luôn có sự đổi mới, bổ sung, sửa đổi, chính vì thế bản thân các kiểm toán viên phải theo dõi và nắm bắt kịp thời các thông tư mới để có thể cho ra các kết quả kiểm toán hợp lý, chính xác.

Hơn nữa, nếu bạn có ý định trở thành một kiểm toán viên quốc tế, bạn cần ren luyện để có một trí nhớ tuyệt vời mới có thể làm việc ở nhiều môi trường, quốc gia khác nhau. Vì mỗi quốc gia lại có những chuẩn mực khác không tuân theo nguyên tắc chung. Làm việc như một kiểm toán viên chuyên nghiệp, thì trí não bạn sẽ khó có lúc nào được ngừng nghỉ, rất thích hợp với những bạn trẻ năng động, có chí tiến thủ, muốn thách thức bản thân.

Công việc của kiểm toán viên đòi hỏi sự tư duy logic để có thể kiểm tra và đưa ra các ý kiến phù hợp, chính vì thế, bạn luôn phải cẩn thận từng chút một, việc này giống như khi làm toán vậy, bạn phải thật sự tập trung mới tìm ra cách giải và cách giải của mỗi bài toán lại khác nhau. Vậy, không phải trí óc bạn luôn hoạt động hết công suất và được thử thách thường xuyên sao?

Thị trường việc làm luôn đầy ắp cơ hội dành cho bạn

Khi bạn trở thành một sinh viên ngành kiểm toán, chứng tỏ bạn có năng lực tiếp thu và nhận thức từ mức giỏi đến xuất sắc. Vì chương trình đào tạo kiểm toán viên khá dài, sau quá trình học tập ở trường, bạn cần có chứng chỉ hành nghề kiểm toán thì mới đủ điều kiện trở thành một kiểm toán viên chính thức. Chính quá trình phức tạp và khó khăn để được chính thức hoạt động mà hầu như các vị trí kiểm toán viên luôn cần thiết và gần như chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.

Hơn nữa, vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng, khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài ngày càng nhiều, lại thêm các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Nhà nước mà các doanh nghiệp trong nước cũng gia tăng về số lượng và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nhu cầu kiểm toán càng nhiều càng cần thêm nguồn nhân lực kiểm toán chất lượng cao hành nghề để đem lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp,…

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần những kiểm toán viên chuyên nghiệp, bạn có thể được doanh nghiệp trao cho cơ hội đào tạo ở nước ngoài để có thể lấy được chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế.

Bên cạnh đó, mức thu nhập mà một kiểm toán viên nhận được hàng tháng rất cao. Theo như báo cáo của trang tìm kiếm việc làm Jobstreet.com, kiểm toán là một trong những ngành thuộc top đầu các ngành có mức lương cao nhất. Mức lương trung bình của kiểm toán viên dao động từ 8 – 10 triệu trên 1 tháng. Theo thời gian và độ tin cậy mà mức thu nhập có thể tăng thêm.

Như vậy, cho dù bạn học trường công hay tư, trường chất lượng cao hay các trường địa phương,… chỉ cần bạn có đam mê và năng lực thì con đường việc làm ngành kiểm toán luôn sẵn sàng mở ra và chào đón bạn.

Tăng cường khả năng giao tiếp và nắm chắc ngữ pháp Ngoại ngữ

Khi được đào tạo trong chương trình kiểm toán, hẳn bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều tài liệu nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Pháp,.. để nâng cao nghiệp vụ, khả năng và chuyên môn, bạn cần phải trau dồi khả năng Ngoại ngữ mới có thể hiểu các tài liệu chuyên ngành nhiều từ ngữ chuyên môn. Từ đó, trình độ Ngoại ngữ của bạn sẽ được tăng cường không ngừng, bạn sẽ nắm chắc ngữ pháp hơn khi đọc những tài liệu này.

Đồng thời, bạn có thể làm việc với nhiều khách hàng nước ngoài. Việc hiểu và giao tiếp với khách hàng thực sự quan trọng. Đặc biệt đối với nghề kiểm toán, có vô vàn từ ngữ chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài, một kiểm toán viên phải có trình độ Ngoại ngữ nhất định mới có thể tìm kiếm cho mình cơ hội làm việc.

Ngoại ngữ vẫn luôn là một trong những kỹ năng không thể thiếu với bất kỳ ngành nghề nào. Kiểm toán cũng không phải ngoại lệ, điều này càng quan trọng nếu bạn muốn có chứng chỉ kiểm toán quốc tế, và có tham vọng muốn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.

Bạn sẽ có cơ hội đi du lịch thường xuyên

Tất nhiên, du lịch ở đây không chỉ hàm chứa nghĩa đen là đi chơi cho vui mà là đi làm việc. Kiểm toán là một ngành phổ biến trên thế giới và có vị thế cao, đóng vai trò quan trọng đối với nhiều đối tượng khác nhau, mà các đối tượng đó đến từ mọi nơi trên thế giới. Chính vì thế, khi bạn đã có địa vị nhất định và tạo dựng được uy tín cá nhân thì việc đi nước ngoài để làm việc với các khách hàng nước ngoài là điều hiển nhiên, bởi lúc này các khách hàng của bạn sẽ ở các vùng miền khác nhau, các quốc gia khác nhau.

Đến mỗi một quốc gia, bạn cũng cần có nhiều kiến thức để có thể giao tiếp với khách hàng, bên cạnh việc trau dồi các kiến thức chuyên ngành, các nguyên tắc của riêng nước đó (mỗi quốc gia có thể có những chuẩn mực kiểm toán khác nhau phù hợp với quốc gia đó mà không tuân theo chuẩn mực quốc tế).

Một khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành và hiểu hết những điều trên thì bạn chắc chắn sẽ có thể thành công trên bước đường trở thành kiểm toán viên chuyên nghiệp.

Kết luận

Như vậy, chúng ta đã điểm qua những lý do nên lựa chọn ngành kiểm toán, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các bạn, nhất là những bạn học sinh đang loay hoay trong quá trình tìm kiếm một ngành học phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân. Nói chung, yêu cầu của ngành kiểm toán cũng khá cao, không chỉ khả năng tiếp thu, năng lực ứng biến mà cần sự tuân thủ theo các quy tắc, chuẩn mực và có những thái độ đúng đắn với phẩm chất nghề nghiệp. Vì vậy, nếu bạn đã quyết định đi theo con đường này, hãy chăm chỉ rèn luyện các kỹ năng và trau dồi các nghiệp vụ chuyên ngành để vững tin trên con đường trở thành kiểm toán viên ở phía trước.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *